Wednesday, November 21, 2012

Điều bất thường đang xảy ra ở Vườn quốc gia Yók Đôn? - LĐO


SavingCTNP 22/11/2012 - Ở Việt Nam và nhiều Quốc gia chưa phát triển ( Campuchia, Lào...), chống bọn phá rừng nghĩa là tuyên chiến với bọn chuyên xài "Luật Rừng".
Điều kinh khủng là chính kiểm lâm câu kết với lâm tặc có tổ chức mới phá rừng tàn bạo đồng thời các đại gia gỗ phất lên nhanh chóng.
Chúng ta hãy chia sẻ và ủng hộ những người cùng chí hướng, dũng cảm bảo vệ rùng, tài sản chung của Việt Nam, môi trường chung của Thế giới đang đi đến hồi hết thuốc cứu vãn!
Theo giá Nhà nước, 01 mét khối gỗ tròn nhóm I  ở rừng tự nhiên đã lên tới 40-50 triệu VND. Một cái cây mấy người ôm, các vị nhẩm tính ra tới hàng  tỷ VNĐ rồi ( mấy lọai này, mẩu bé cũng mần được tượng các kiểu, đóng toa xe lửa, xuất khẩu lãi siêu, đang hot)! 
Tôi hỏi chủ vuờn: cây tràm ( bạch đàn) trồng hơn 10 năm ( hết lớn) ở gần hồ Núi Le, Xuân Lộc-Đồng Nai họ trả mão ( đổ đồng) 800.000 đ/cây, tự chặt, chở. Lọai trồng làm bờ rào quanh mấy XN  ở Tân Uyên-Bình Dương sau 5 năm chặt tỉa còn bán được 100.000 đ/cây ( giá tình cảm).
Vậy bà con chuẩn bị hùn tiền đấu thầu gỗ, luồng tận thu rừng như Bùi Pháp khẳng định khi mần 2 cái DA thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A: có 6 tỷ VNĐ thui ( giá thị trường ổng nói chỉ đáng 4,5 tỷ kia).


Điều bất thường đang xảy ra ở Vườn quốc gia Yók Đôn?
(LĐ) - Số 273 - Thứ tư 21/11/2012 13:33
Đặng Trung Kiên
Báo Lao Động
Điều bất thường đang xảy ra ở Vườn quốc gia Yók Đôn?Tác giả bàng hoàng trước những cây hương đại thụ chỉ còn trơ gốc ở tiểu khu 477.
Trong vòng 4 tháng, Vườn quốc gia Yók Đôn (Đắc Lắc) đã kỷ luật 4 cán bộ kiểm lâm; cách đây vài ngày (ngày 9.11), Tổng cục Lâm nghiệp cũng thống nhất miễn nhiệm, điều chuyển hàng loạt cán bộ chủ chốt khác tại đây.
Trong thời gian này, hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn, săn bắt thú quý hiếm... bị phát hiện. Điều bất thường gì đang xảy ra tại Vườn quốc gia (VQG) Yók Đôn? Trong loạt bài này, Báo Lao Động trở lại với tình trạng mất đoàn kết nội bộ, kiểm lâm biến chất, nạn phá rừng như trẩy hội tại vườn quốc gia rộng lớn và giàu có nhất nước này.

Bài 1: Tan hoang vườn quốc gia

Trong vài năm gần đây, những ai từng đến Yók Đôn đều khiếp đảm bởi nạn phá rừng, giết hại động vật hoang dã một cách tàn bạo. Trong dịp Yók Đôn rầm rộ lên mặt báo mới đây, phóng viên Lao Động đã lặn lội vào các tiểu khu 477, 484 của VQG Yók Đôn để xác tín việc hàng trăm cây gỗ hương bị triệt hạ và thú rừng bị bắn giết.
“Công trường” gỗ trong VQG

Nội bộ VQG đang phức tạp, chúng tôi chọn chị Vân - nguyên cán bộ y tế khi VQG Yók Đôn còn là Lâm trường Buôn Đôn, người thường xuyên vào rừng tìm thảo dược - giúp dẫn đường. Từ trung tâm huyện Buôn Đôn đến Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4, hết đoạn đường đất xuyên giữa nương rẫy của người dân xã Tân Hòa, vượt thêm vài suối nhỏ là đến địa phận tiểu khu 477. Nếu đường vào lầy lội, dốc liên tục thì tiểu khu 477 là một cánh rừng nguyên sinh phủ trên bình nguyên rộng lớn, đường cấp phối xe chạy băng băng...

Nghe nói phía trước có 2 trạm bảo vệ rừng, song chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng kiểm lâm nào, dù quy định bất cứ ai vào rừng đặc dụng không có lý do chính đáng đều bị trục xuất. Từ con suối đầu tiên trong địa bàn tiểu khu vào vài trăm mét, bên phải đường tuần tra 50 mét là một “công trường” khai thác gỗ. Những cây giáng hương đường kính cả mét chỉ còn lại gốc, mặt cắt phẳng phiu. Xung quanh là cành ngọn, những đoạn gỗ bị chê - mà nếu đem ra ngoài cũng bán được vài chục triệu một mét khối.

Chúng tôi lên xe đi tiếp khoảng chục cây số, lại một “công trường” gỗ. Mặt cắt của gốc cây được kiểm lâm đánh dấu: “T1, Đ.K.T, 10.8.2012,” - tức Trạm 1 đã kiểm tra ngày 10.8.2012. Chị Vân nói: “Kiểm lâm gian lắm, toàn ghi lùi ngày để giảm trách nhiệm, thực tế gỗ bị chặt 2 tuần họ mới đi kiểm tra. Các vụ phá rừng này tôi biết rõ, chính tôi trực tiếp gọi điện báo Chủ tịch huyện trước khi kiểm lâm vào đánh dấu”. Trên đường về, chúng tôi ghé trạm kiểm lâm xin nước uống, chị Vân và những cán bộ kiểm lâm đã “nhẵn mặt” chào hỏi và dò xét lẫn nhau. Hai điểm phá rừng này, cộng với một số điểm khác mà chúng tôi không đi hết được, theo ông Trần Văn Thành - quyền GĐ VQG Yók Đôn - là có 178 cây gỗ bị chặt, mất vài trăm mét khối. Phần lớn không bắt được lâm tặc.
Chị Vân - người dẫn đường - nói đường kính phần ngọn cây là 60cm, gốc phải lớn gấp đôi.

Vụ phá rừng trên chưa lắng dịu, ngày 15.6, kiểm lâm VQG Yók Đôn lại vô tình phát hiện cả kho gỗ lậu cất giấu dưới lòng sông Sêrêpốk. Khi các thủy điện trên sông tích nước, 45 khúc gỗ hương xẻ hộp cất giấu tại 3 điểm (mỗi điểm cách nhau 500m) tự lòi ra. Lúc này, kiểm lâm mới “khẳng định” nó được khai thác từ 15 cây hương ở tiểu khu 477.

Số phận của voi, bò rừng...

Ngày 8.11, Bộ NNPTNT có văn bản lần thứ hai đề nghị UBND tỉnh Đắc Lắc làm rõ các đối tượng giết hại 2 con voi trưởng thành, được phát hiện ngày 25.8. Đây là 2 con voi bị giết tại tiểu khu 257, VQG Yók Đôn, hiện trường có 12 vỏ đạn súng quân dụng AK. Nhưng theo đại tá Phạm Minh Thắng - Chánh Văn phòng CA tỉnh Đắc Lắc - thì công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là VQG Yók Đôn phát hiện (chính xác là người dân báo tin cho vườn) khi voi đã bị giết quá lâu, các dấu vết còn lại rất mờ nhạt.

Trong khi đó, các nhà khoa học đã xác định VQG Yók Đôn là “ngôi nhà” cuối cùng của các quần thể voi hoang dã còn sót lại ở Tây Nguyên. Cùng với voi, bò rừng - động vật hoang dã quý hiếm nhóm 1B - ở VQG Yók Đôn cũng nằm trong tầm ngắm của thợ săn. Cơ quan chức năng đã ghi nhận có ít nhất 2 cá thể bò rừng bị bắn hạ ở VQG Yók Đôn, con mới nhất bị bắn vào tháng 3.2012. Trong tháng 8, các trạm kiểm lâm số 5 và số 10 bắt quả tang xe ôtô BKS 47L - 3709 chở 5 đối tượng vào rừng săn thú, thu giữ một con hoẵng đã bị giết, một súng quân dụng và 21 viên đạn. Ngoài các vụ việc trên, bẫy thú đang giăng mắc khắp nơi trong rừng Yók Đôn, có tháng kiểm lâm gỡ được gần 300 dây bẫy.

Trong 10 tháng đầu năm 2012, tại VQG Yok Đôn xảy ra 365 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng (tịch thu 3.503m3 gỗ), nhưng trong đó có đến 289 vụ không phát hiện được đối tượng. Chính lãnh đạo VQG Yók Đôn đã thừa nhận, công tác bảo vệ rừng ở đây không đạt hiệu quả. Vậy đâu là nguyên nhân của thảm trạng Yók Đôn?

(còn tiếp)

http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Dieu-bat-thuong-dang-xay-ra-o-Vuon-quoc-gia-Yok-Don/92559.bld

Tuesday, November 20, 2012

Con đường của Một Dự án (Kỳ 2) - SCT


CÓ LÁCH LUẬT VÀ PHỚT LỜ QUỐC HỘI HAY KHÔNG?

Đã có nhiều thông tin, bài báo, văn bản về Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A  xâm hại vùng lõi khu bảo tồn rừng đặc dụng Vườn Quốc Gia Cát Tiên, ảnh hưởng khu Ramsar, đe dọa Di tích Quốc gia và Di sản Nhân loại. Có nhiều điều không bình thường trong quá trình làm thủ tục nên đến nay vẫn cứ nhùng nhằng và ĐTM đang nằm chờ Bộ TN& MT thẩm định. Chúng tôi xin giới thiệu tóm lược về Vườn Quốc gia Cát Tiên và chỉ điểm sơ một số mốc thời gian và sự kiện để những ai quan tâm cùng trao đổi, phân tích thêm.

Giới thiệu tóm lượt về Vườn Quốc gia Cát Tiên
Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, đơn vị chủ quản hiện tại là Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, MARD), được thành lập tại Quyết định số 08/CT ngày 13/01/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nhằm bảo tồn khu rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều sinh cảnh rừng khác nhau như rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh trên đất thấp ưu thế với các loài cây họ Dầu, họ Đậu, rừng rụng lá nguyên sinh và thứ sinh với loài tiêu biểu là Bằng lăng (Lagerstroemia calyculata); đất ngập nước với Bàu và các trảng ngập nước theo mùa gồm các loài đại phong tử, lộc vừng, săng đá xen lẫn lau, lách, cỏ đế, lau sậy...và nhiều sinh cảnh thực vật thứ sinh khác đặc trưng cho kiểu rừng miền Đông nam Bộ. VQG Cát Tiên là nơi phân bố của các loài động thực vật quý hiếm như Gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), Cẩm lai (Dalbergia), Dáng hương (Pterocarpus macrocarpus), các loài cây họ Dầu...; Voi Châu á (Elephas maximus), Tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus), Bò tót (Boss gaurus) Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Vượn đen má hung (Hylobates gabriellae), Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis)...là những loài được cảnh báo có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng ở Việt Nam và trên Thế giới.
Ngoài các nguồn tài nguyên đặc trưng cho kiểu rừng miền Đông Nam bộ, VQG Cát Tiên còn có các giá trị về văn hóa-lịch sử, mà nổi bật là di chỉ Văn hóa khảo cổ học Cát Tiên và căn cứ địa cách mạng chiến khu D, là điểm thu hút ngày càng đông khách du lịch trong nước và nhiều nước trên Thế giới đến tham quan, du lịch.
            Với những đặc trưng về địa lý, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị về đa dạng sinh học, các nguồn gien động, thực vật quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam, toàn cầu, ngày 10/11/2001, tổ chức UNESCO/MAB đã công nhận VQG Cát Tiên là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của Thế giới, một mắt xích quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu. Ngày 04/8/2005 Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận vùng đất ngập nước Bàu Sấu là Khu Ramsar thứ 1.499 của Thế giới và thứ 2 của Việt Nam.Từ khi thành lập với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước đã đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước, tài trợ của các tổ chức quốc tế, VQG Cát Tiên đã đạt được kết quả tốt về bảo vệ rừng, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học các sinh cảnh rừng cây họ Dầu và hệ sinh thái đất ngập nước độc đáo cũng như các giá trị văn hoá lịch sử hiện hữu. Bên cạnh đó còn thực hiện tốt các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục về bảo tồn, khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, góp phần cùng chính quyền địa phương phát triển đời sống người dân vùng ven. 

 Để thực hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta, nghi quyết của Bộ chính trị và nghị quyết của Quốc hội về bảo vệ môi trường của đất nước trong thời kỳ mới. Để bảo vệ và phát triển bền vững VQG Cát Tiên tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của nó trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hóa đất nước, Vườn quốc gia Cát Tiên đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệtQuy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Cát Tiên giai đoạn 2010 - 2020 (tổng số vốn đầu tư là 239,365 tỷ đồng trong đó giai đoạn 2011-2015 là 130,511 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 108,855 tỷ đồng) tại quyết định số 1535/QĐ-BN-TCLN ngày 11 tháng 07 năm 2011nhằm đáp ứng các yêu cầu hiện nay và thời gian tới trong hoạt động quản lý, phát triển lâm nghiệp bền vững VQG Cát Tiên cũng như hỗ trợ cộng đồng vùng đệm ổn định kinh tế.Theo QĐ 1535 thì Mục tiêu tổng quátcủa VQG Cát Tiên Bảo tồn được các hệ sinh thái đặc trưng cho khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là hệ sinh thái rừng nguyên sinh và thứ sinh đất thấp ưu thế với loài cây họ Dầu (Dipterocarpaceae), họ Đậu (Fabaceae) và họ Tử vi (Lythraceae); hệ sinh thái đất ngập nước với các bàu đầm ngập nước theo mùa; các loài thực vật, động vật quý hiếm, đặc biệt là các loài thú lớn đang bị đe dọa ở Việt Nam và trên toàn cầu. Sử dụng bền vững các tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường rừng và cơ sở hạ tầng của VQG phục vụ phòng hộ, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục và phát triển du lịch sinh thái và 5 mục tiêu cụ thể trong đó có mục tiêu ưu tiên đầu tiên là: 1) Bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng mưa mùa nhiệt đới tiêu biểu: rừng kín thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng hỗn giao gỗ-lồ ô, rừng lồ ô thuần loại, và hệ sinh thái đất ngập nước (ven sông và khu Ramsar Bàu Sấu-di sản thiên nhiên đang trình duyệt).

Gần đây nhất, Danh lam Thắng cảnh Vườn Quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Phước) được cộng nhận xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định Số 1419/QĐ-TTg  ngày 27 tháng 09 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.


Điểm một số mốc thời gian và sự kiện quan trọng liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (Có phụ lục đính kèm 15 quyết định, văn bản pháp lý quan trọng theo thời gian):
1.  Từ năm 2001, Công ty Tư vấn xây dựng Điện 2 (PECC2) đã tiến hành lập “Báo cáo quy hoạch bậc thang thuỷ điện sông Đồng Nai – năm 2001” trong đó Công trình thuỷ điện Đồng Nai 6 có công suất lắp máy 180MWđã được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt tại Công văn số: 1483/CP-CN ngày 19/11/2002.
Theo Quy hoạch này, tổng diện tích đất ngập tự nhiên của lòng hồ Đồng Nai 6 ứng với Mức nước dâng bình thường (MNDBT) 205.0 m là 1.954 ha, trong đó huyện ĐakR’lap, tỉnh Đăk Nông ngập 285 ha, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước ngập 937 ha và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng ngập 732 ha (rừng gỗ, tre, cây bụi 705ha, đất nông nghiệp 25 ha, thổ cư 1.8ha). Đó là chưa tính phần đường dây tải điện và công trình phụ trợ.
2, Ngày 29/6/2006, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11, có hiệu lực từ 01/10/2006. Theo NQ này, Dự án đầu tư sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ hai trăm héc-ta trở lên là dự án, công trình quan trọng quốc gia và phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
3, Giữa năm 2007, XN tư doanh Đức Long ( Gia Lai) đăng ký với tỉnh Lâm Đồng đầu tư DA Thủy điện Đồng Nai 6.
4, Ngày 18/7/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg,  Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VI). Trong Quy hoạch này hoàn toàn không có Thủy điện Đồng Nai 6.
5, Tuy nhiên, từ tháng 10 đến tháng 12/2007, Công ty Tư vấn xây dựng Điện 1 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 hay gọi tắt là PECC1) được thuê tiến hành nghiên cứu sơ bộ và lập Báo cáo cơ hội đầu tư để Đức Long Gia Lai xem xét, tiến hành các thủ tục cho các bước nghiên cứu tiếp theo.
6, Ngày 20/5/2008, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai  Hợp đồng số 57/2008/HĐTV-TĐĐLGL với PECC1 và từ cuối tháng 5/2008, PECC1 đã triển khai các công tác, thiết kế, lập Báo cáo đầu tư dự án thuỷ điện Đồng Nai 6.
Như vậy, Đức Long Gia Lai đã ký và triển khai Hợp đồng nói trên trước khi có VB trả lời của VP Chính phủ và đương nhiên chưa có "hướng dẫn" của Bộ Công thương.
PECC1 được đặt hàng: Qui mô các phương án được xem xét trên cơ sở Diện tích chiếm đất của công trình chính + công trình tạm + hồ chứa nhỏ hơn 200ha. Họ đã khảo sát 35 km sông Đồng Nai ( dưới ĐN 5,  lập nhiều phương án chia tách và chỉ quan tâm sao cho diện tích chiếm đất của từng DA < 200 ha. Khi đó không phải trình Quốc hội xem xét.
7, Trên cơ sở Báo cáo cơ hội đầu tư do PECC1 lập tháng 12/2007, Tập đoàn Đức Long đã báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương (Công văn số 433/BC-DLGL ngày 20/5/2008). Sau khi xem xét, VP Chính phủ có văn bản số 4621/VPCP-KTN ngày 14/7/2008 do phó Văn phòng Văn Trọng Lý ký: "Bộ Công Thương hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lập hồ sơ dự án thủy điện Đồng Nai 6 theo quy định hiện hành, trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia".

8. Ngày 14/10/2009, thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đã ký Quyết định số: 5117/QĐ-BCT, Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai: "Điều chỉnh DATĐ ĐN 6 -180MW thành các DA là TĐ ĐN 6-135MW và TĐĐN 6A (106MW).
Tại Điều 3. Các vấn đề cần lưu ý trong trong các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo về đầu tư xây dựng công trình:
- Bổ sung điều tra, khảo sát các điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, khí tượng-thủy văn, dân sinh, kinh tế-xã hội…) trong khu vực. Trong đó, đối với các thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng nai 6A, cần đặc biệt lưu ý điều tra khảo sát ảnh hưởng đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên;
-…" Riêng đối với các dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN 6A, cần đánh giá chi tiết và đề xuất các biện pháp khả thi nhằm đảm bảo giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực đối với VQG Cát Tiên"
Nhận xét:
8.1. Tại Phụ lục: Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai (Kèm theo QĐ 5117/QĐ-BCT nói trên), phần tọa độ vị trí của 7 Dự án đều sai căn bản: kinh độ và vĩ độ không có ghi hướng Đông; Tây; Nam; Bắc- tiếng Anh là E; W; S; N.
8.2. Phần Nơi nhận: Hoàn toàn không có gửi lên Thủ Tướng, người ký Quyết định bị điều chỉnh, để biết hay Báo cáo. Vậy có đúng thẩm quyền và nguyên tắc hành chính hay không?
8.3. Quyết định này điều chỉnh bổ sung một Văn bản của cấp trên đã hết hiệu lực (VB số : 1483/CP-CN ngày 19/11/2002 của Thủ tướng đã được thay thế bởi Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/7/2007 phê duyệt Quy hoạch điện VI) thì phải hiểu là ở Việt Nam có 2 cấp hệ thống Quy hoạch điện song song?
Theo nguyên tắc, và chỉ đạo tại văn bản số 4621/VPCP-KTN ngày 14/7/2008 của VP Chính phủ, Bộ Công thương chỉ có quyền thẩm định, trình Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch do Thủ tướng đã duyệt mà thôi. Vậy tính pháp lý QĐ 5117/QĐ-BCT nói trên có phù hợp hay không? Nó được ban hành theo ý chí của ai và hợp thức vấn đề gì.
9, Văn bản số 228/BNN-TCLN ngày 06 tháng 02 năm 2012 (4 trang, V/v chuyển mục đích sử dụng rừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6 A) trình Thủ tướng. Lưu ý tại trang 3 có đoạn ghi: “Về tổng quát thì ảnh hưởng do xây dựng hai công trình thủy điện này không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập VQG Cát Tiên, nhất là khu vực đất ngập nước Bàu Sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên”

Câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT:
Căn cứ nào để Bộ NT&PTNT gửi công văn 228/BNN-TCLN trình Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất XD thủy điện? (chỉ để phục vụ cho dự án ĐN6 và ĐN6A?). Với quyết định có phải sẽ giúp cho Dự án được loại ra khỏi diện phải trình QH xem xét???  
Nhận xét:
9.1 Văn bản 228/BNN-TCLN vi phạm vào Điều 7 của Luật Đa dạng Sinh học Số 20/2008/QH 12 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Lý do: Hai dự án này của tập đoàn tư nhân Đức Long Gia Lai (ĐLGL) phục vụ cho mục tiêu kinh tế của công ty tư nhânchứ không phải là công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nên việc phê duyệt đầu tư, cấp phép xây dựng hai công trình này là vi phạm Luật (cấm việc xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu nghiêm ngặt của khu bảo tồn).

9.2 Văn bản 228/BNN-TCLN vi  phạm Nghị quyết 49/2010/QH12 của Quốc hội. Theo nghị Quyết 49 của QH những Dự án có quy mô lớn về nguồn vốn đầu tư của NN và những Dự án có nguy cơ tác động cao tới môi trường như phá rừng... (trên 50 ha rừng đặc dung) thì phải trình QH xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư (chưa phải là bước đồng ý cho thực hiện DỰ án hay không), đây được coi như là bước ĐTM sơ lược đối với các dự án có nguy cơ cao tới môi trường, nếu dự án không khả thi thì sẽ bị loại bỏ ngay tư bước này và không gây lãng phí cho Chủ Đầu tư và các cơ quan quản lý. Đây là cơ sở pháp lý quan trong nhất để Chủ đầu tư và các cơ quan quản lý thực hiện các bước tiếp theo của Dự án. (Giống như Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam của Bộ giao thông đề xuất phải được QH xem xét chủ trương nếu QH đồng ý thì mới tiến hành nghiên cứu lập Dư án một cách chi tiết).
Như vậy, Dự án DN6 và DN6a là Dự án thuộc diện phải đưa ra QH xen xét chủ trường đầu tư vì có diện tích phá rừng đặc dụng đầu nguồn trên 50ha (372,23 ha). Nếu Dự án chưa được Quốc hội đồng ý về chủ trương thì có nghĩa là Dự án chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, kể cả bước lập ĐTM. 

9.3 Tại sao lại có sự khác biệt về số liệu diện tích rừng cụ thể là Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009 của về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai: "Điều chỉnh dự án thủy điện (TĐ) ĐN 6 - Công suất lắp máy 180MW -  thành các dự án TĐĐN 6 (135MW) và TĐĐN 6A (106MW) trong đó có rừng và diện tích đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng cho hai công trình theo thứ tự là 197,3 havà 174,60 ha nhưng theo ĐMT cho ĐN6 là 171,36 ha và ĐN 6A 152,17 ha???


Phụ lục:
Các (15) văn bản pháp lý quan trọng cấp TW-Chính phủ và bộ ngành liên quan theo thứ tự thời gian từ giữa cuối năm 2007 là:
1.      Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 85/TT ngày 10/8/2007 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (TĐĐLGL) về Xin khảo sát lập Dự án đầu tư xây dựng TĐ ĐN 6 huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
2.      Công văn số 433/BC-ĐLGL ngày 20 tháng 5 năm 2008 về báo cáo của Công ty cổ phần TĐĐLGL gửi Văn phòng chính phủ và Thủ tướng cho việc chấp thuận triển khai lập Báo cáo đầu tư Dự án Đồng Nai 6, tỉnh Lâm Đồng. 
3.      Thông báo số 4621/VPCH-KTN ngày 14/7/2008 do ông Văn Trọng Lý, Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ ký truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án và chỉ đạo cụ thể của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Bộ Công Thương hướng dẫn Công ty cổ phần (TĐĐLGL) lập hồ sơ dự án thủy điện Đồng Nai 6 theo quy định hiện hành, trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công Thương biết và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.”
4.      Văn bản số 994/TTr-ĐLGL ngày 30/12/2008 về Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện Đồng Nai 6-Kèm BC đầu tư do Cty CP TVXD điện 1 lập năm 2009.
5.      Văn bản số 8281/BCT-NL ngày 21/8/2009 của Bộ Công thương Trình Thủ tướng Chính phủ về việc hiệu chỉnh và bổ sung thủy điện ĐN6 và ĐN6A vào Quy hoạch pháttriển Điện lực Quốc gia.
6.      Văn bản số 5250/VPCP-KTN ngày 3/8/2009 và Thông báo số 6163/VPCP-KTN ngày 8/9/2009 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó TTg Hoàng Trung Hải về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai.
7.      Quyết định số 5117/QĐ-BCT ngày 14/10/2009 của Bộ trưởng Bộ công thương do Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào ký về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai:
 "Điều chỉnh dự án thủy điện (TĐ) ĐN 6 - Công suất lắp máy 180MW -  thành các dự án TĐĐN 6 (135MW) và TĐĐN 6A (106MW). Loại bỏ thủy điện Đồng Nai 8 (195MW) khỏi Quy hoạch…Lập và trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) trước khi phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình. Riêng đối với các dự án TĐĐN 6 và ĐN 6A, cần đánh giá chi tiết và đề xuất các biện pháp khả thi nhằm đảm bảo giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực đối với VQG Cát Tiên."
8.      Văn bản số 4620/BTNMT-KH ngày 11/11/2010 về việc đề nghị chính phủ báo cáo và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hai dự án TĐĐN 6 và ĐN 6A theo nghị quyết 49/QH để làm cơ sở cho Bộ TNMT thông qua DTM làm cơ sở cho việc sớm triển khai thi công hai công trình thủy điện ĐN6 và ĐN6A.
9.      Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 03/3/2011 của Văn phòng Chính phủ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A gửi Bộ NNPTNT và các Bộ Ngành liên quan.
10. Công văn số 1741/BNN-TCLN ngày 20/6/2011 của Bộ NNPTNT do thứ trưởng Hứa Đức Nhị ký về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn quốc gia Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A."... các mục tiêu cơ bản của VQG Cát Tiên vẫn được đảm bảo do diện tích chuyển mục đích không lớn???(137ha) và kéo dài theo dải hẹp dọc sông Đồng Nai."
11.Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia – xét tờ trình số 2068/Ttr-BCT ngày 11 tháng 3 năm 2011 của Bộ Công thương và ý kiến của các Bộ, ngành về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030- của Chính phủ do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Tại trang 3 của Phụ lục I kèm theo QĐ 1208/QĐ-TTg ghi rõ:
 Công trình TĐDN 6 vận hành vào năm 2015 và  TĐDN 6A  vận hành vào năm 2016.
12. Văn bản số 5890/UBND-CNN ngày 29/08/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Công thương, Văn phòng chính phủ, Bộ TNMT, Bộ NNPTNT về việc ảnh hưởng tác động của Dự án TĐ ĐN 6&6A trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trích: “… Trong quá trình xem xét, khảo sát, nghiên cứu, thẩm định dự án cho đến khi dự án TĐDN6&6A được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch mới, UBND tỉnh Đồng Nai hoàn toàn không được lấy ý kiến đánh giá các ảnh hưởng, tác động trong việc xây dựng hai dự án này, không có hồ sơ cụ thể về thông số kỹ thuật, DTM cũng như các ảnh hưởng tác động đến tỉnh Đồng Nai… UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến khách quan và trách nhiệm cao của các nhà khoa học có nhiều nghiên cứu thực tế tại vùng Cát Tiên và hệ thống sông Đồng Nai như: GS.TS Lê Huy Bá, GS.TS. Lâm Minh Triết, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, TS. Vũ Ngọc Long,… Kết luận hội thảo cho rằng: Hai dự án này khi triển khai xây dựng thì tác động tích cực nhất định-hữu hạn và đã rõ còn tác động tiêu cực là rất lớn-vô hạn và chưa rõ. Hai công trình thi công và vận hành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên động thực vật rừng và công tác bảo vệ rừng đặc dụng, khu dự trữ sinh quyển, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến quy định của Uỷ ban UNESCO trong việc lập hờ sơ đề nghị công nhận VQG Cát Tiên là Khu di sản thiên thiên thế giới. Trong đó có 6 nhóm tác động tiêu cực đối với môi trường của dự án TĐDN 6&6A được các nhà khoa khọc phân tích rõ và chi tiết: Một làtác động đến hệ sinh thái thuỷ vực Sông Đồng Nai và VQG Cát Tiên (Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai), Hai là ảnh hưởng đến việc xem xét công nhận Cát Tiên là khu Di sản thiên nhiên thế giới, Ba làtác động đến chế độ thuỷ văn và chất lượng nước sông Đồng Nai, Bốn là gây ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô ở vùng hạ lưu, Năm là tác động đến sinh kế của người dân và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản vùng hạ lưu, Sáu là tác động đến đặc trưng văn hoá của cộng đồng dân cư bản địa vùng hạ lưu. Ngoài ra còn những rủi ro, nhiều thiệt hại chưa đánh gia hay lường trước được như các tác động gắn bới biến đổi khí hậu và những tác động khác như thiên tai, sự cố,… ” 
13. Văn bản số 45/TTg-KTN ngày 31/8/2011 của Chính phủ do phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký về việc chuyển mục đích sử dụng rừng khu vực Cát Tiên sang xây dựng Dự án thủy điện ĐN6 và ĐN 6A. Trích “…trường hợp diện tích rừng và đất cần cho dự án có thể chuyển mục đích sử dụng mà ảnh hưởng tới tiêu chí, mục đích và nội dung xác lập Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên thì dừng xây dựng dự án.”
14. Văn bản số 228/BNN-TCLN ngày 06 tháng 02 năm 2012 (4 trang, V/v chuyển mục đích sử dụng rừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6 A) trình Thủ tướng. Lưu ý tại trang 3 có đoạn ghi: “Về tổng quát thì ảnh hưởng do xây dựng hai công trình thủy điện này không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập VQG Cát Tiên, nhất là khu vực đất ngập nước Bàu Sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên”
15. Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Chính phủ do Phó
 Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Danh lam thắng cảnh VQG Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước). 
16.Công văn số 150-BC/TU (6 trang) ngày 12 tháng 11 năm 2012 về báo cáo (Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng) 6 nhóm tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai.  

Thích Bình Yên

Tuần này quyết số phận thủy điện Đồng Nai 6, 6A - NLĐO


Tuần này quyết số phận thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Thứ Hai, 19/11/2012 23:59

Ngày 19-11, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang cho biết trong tuần này, Hội đồng Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT sẽ có cuộc họp để đi đến quyết định cuối cùng về 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

“Hội đồng Thẩm định sẽ dựa trên 2 tiêu chí quan trọng là ảnh hưởng đến môi trường và Luật Đa dạng sinh học để phân tích rõ tác động của 2 dự án thủy điện này. Tinh thần hội đồng và Bộ TN-MT sẽ làm nghiêm túc, đúng quy định pháp luật và khách quan” - ông Quang nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Hội đồng Thẩm định sẽ mời bổ sung một số nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau tham gia để có đánh giá toàn diện nhất.
Nhiều cánh rừng nguyên sinh sẽ bị ảnh hưởng nếu xây hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A
Trước đó, ngày 12-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã gởi báo cáo kiến nghị của lên Bộ Chính trị, nhận định việc xây dựng hai thủy điện ĐN 6, 6A có những tác động tích cực nhất định, nhưng hệ lụy tiêu cực là rất lớn chưa thể lường trước được.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, triển khai 2 dự án này thì hệ sinh thái lưu vực sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ bị tác động nặng nề, thảm thực vật đặc trưng sẽ ngập nước, diện tích rừng quý bi mất làm thay đổi tiểu vùng khí hậu. Đặc biệt Khu Ramsar Bàu Sấu được Công ước Quốc tế công nhận chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Cát Tiên (được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích đặc biệt) đang giai đoạn được UNESSCO thẩm định di sản thiên nhiên thế giới cũng có nguy cơ bị loại.
Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cũng khẳng định, việc xây dựng 2 thủy điện sẽ gây ngập lụt vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô, tác động đến sinh kế vùng hạ lưu, tác động đến đặc trưng văn hóa cộng đồng dân cư bản địa. Tỉnh này cũng lưu ý, việc khảo sát thực hiện 2 thủy điện có vi phạm Luật Tài nguyên môi trường, Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ rừng. Đồng thời, không thể xem nhẹ một hệ lụy rất lớn có thể xảy ra khiến người dân hiện đang rất lo sợ là động đất.
Cùng với văn bản của Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai gửi lên Bộ Chính trị, UBND tỉnh Đồng Nai vừa qua cũng đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị quyết định không xây dựng 2 thủy điện ĐN6, 6A. Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã nêu rõ quan điểm phản đối việc xây dựng 2 thủy điện này đến cùng.
Không chỉ tỉnh Đồng Nai, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng có văn bản gởi Cục Thẩm định và Đánh giá tác động Môi trường – Bộ Tài Nguyên Môi trường. Qua đó dẫn ra 8 “lỗ hổng” trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và cho rằng nếu triển khai sẽ để lại hậu quả lớn:
- Thủy điện Đồng nai 6, 6A chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong khi nó sẽ chiếm dụng diện tích trên 50 ha.
- VQG Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học, theo Luật Đa dạng sinh học thì việc điều chỉnh đất của VQG để làm thủy điện là vi phạm điều 11 Luật Đa dạng sinh học.
- Diện tích rừng thực tế bị mất sẽ lớn hơn so với con số được đưa ra.
- Các giải pháp bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học đề xuất trong ĐTM 2012 là không tưởng và thiếu cơ sở thức tế để triển khai thực hiện.
- Các tình toán thủy văn và lượng bùn cát bồi lắng lòng hồ còn nhiều điều nghi ngại cần xem xét lại.
- ĐTM chưa đưa được các thông tin đầy đủ về tác động văn hóa xã hội của dự án đến từng nhóm người trong khu vức bị ảnh hưởng. Các động thái nhằm ngăn ngừa giảm thiểu tác động trong ĐTM không đầy đủ và không bảo đảm tính công bằng xã hội.
- Các tính toán về tác động của đường dây cao thế và hệ thống truyền tải điện của cả thủy điện Đồng Nai 6, 6A và động đất, động đất kích thích của 2 công trình chưa được ĐTM 2012 phân tích và nghiên cứu một cách đầy đủ.
- ĐTM cũng chưa cập nhật các thông tin liên quan đến diễn biến và quá trình mà vùng đất, tài nguyên và con người ở khu vực dự án đang được thế giới xem xét và công nhận là các di tích văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới.
 
Điều 7 Luật Đa dạng sinh học: Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học
1. Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn.
2. Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.
3. Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.
4. Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
5. Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo trái phép loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
6. Nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.
7. Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại.
8. Tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
9. Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn. 
T. Dũng

TÍNH TOÁN KIỂU TRẬT ĐƯỜNG RAY

SCT-20.11.2012
TÍNH TOÁN KIỂU TRẬT ĐƯỜNG RẦY

Được biết ngày 8-11, Chủ đầu tư hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) tổ chức họp báo tại Hà Nội với tinh thần cầu thị, trân trọng tiếp nhận thông tin từ các cơ quan thông tấn báo chí.
Qua báo Đại Đoàn Kết, loạt bài "Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Cuộc chiến của rừng và thủy điện" của  phóng viên Thanh Như, xin trích nội dung:

"Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn khẳng định hai dự án đã làm đúng theo quy trình và mức độ ảnh hưởng tác động đến môi trường là không lớn. Giá trị gỗ tận thu trong khu vực rừng khoảng hơn 6 tỷ và giá thị trường bán được là 4,5 tỷ. "Nhưng phải đấu thầu khai thác chứ không phải chủ đầu tư khai thác”. Diện tích chiếm đất rừng là 4% và là khu vực rừng nghèo, lồ ô, hỗn giao, đất trống và đất bị xâm canh."
Vấn đề này chúng tôi  thấy có các số liệu sau:

1. Theo ĐTM do Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP HCM lập (lần thứ hai) thì tổng lượng gỗ, củi tận thu của 2 DA thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là: 31.399,05 m3 (củi chiếm 10%) và 771.829,5 cây (!) lồ ô.
Xin thử phép tính với giá giả định bèo bọt nhất:
+ Với giá:               5.000đ/cây lồ ô* 770.000 cây         = 3,85 tỷ Đồng Việt Nam (VNĐ).
+ Với giá mão:       2.000.000 đ/m3 gỗ * 27.000 m3 gỗ   = 54 tỷ VNĐ.
Coi như 4.000 m3 củi không tính tiền.
(Giá cây đứng, gỗ tròn khai thác từ rừng tự nhiên do UBND các tỉnh Quyết định rất chi tiết, nếu tính cụ thể theo từng tỉnh có DA không khó).

2. Số liệu kiểm kê của Sở NN và PTNT của 03 tỉnh có rừng giao cho DA:
2.1. Tỉnh Lâm Đồng: Theo Văn bản thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng trên diện tích Công ty CP tập đoàn Đức Long Gai Lai xin thuê đất để xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (số 1141/TĐ-SNN và 1142/TĐ-SNN cùng ngày 13/6/2011 của Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng thì:
+ Tổng trữ lượng gỗ:   14.345 m3.
+ Tổng số lồ ô:           430.004 cây.
2.2. Tỉnh Bình Phước: Theo Quyết định phê duyệt kết quả kiểm tra tài nguyên rừng số 343/QĐ-SNN ngày 18/4/2011 của Sở NN & PTNT thì chỉ có:
+ Quy mô kiểm kê: Tổng diện tích tự nhiên: 91,42 ha.
+ Đối tượng: Thuộc quy họach rừng phòng hộ rất xung yếutheo quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 19/3/2007.
+ Các chỉ tiêu đặc trưng cho cấu trúc rừng: Mục này chỉ có các chỉ tiêu bình quân chứ không tính cụ thể khối lượng gỗ và cây lồ ô.
2.3. Ngày 20/5/2011, Sở NN và PTNT tỉnh Đăk Nông chủ trì kiểm tra "Báo cáo số 46/BC-TT ngày 09/5/2011 của Cty TNHH Đức Thịnh về kết quả kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp khu vực xây dựng Dự án thủy điện Đồng Nai 6A - Tiểu khu 1606, 1607, 1608 - thuộc địa bàn xã Đăk Sin, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đăk Nông, kèm theo bản đồ và các văn bản liên quan".
Kết luận: Công trình đạt yêu cầu.
+ Tổng điện tích tự nhiên: 32,644 ha.
(Không có số liệu tổng hợp khối lượng gỗ và lồ ô).

KẾT LUẬN: Chúng tôi xin hỏi các quý vị: Bùi Pháp - Chủ đầu tư'; Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng /đơn vị tư vấn lập ĐTM và ngài Nguyễn Vũ Trung - Thư ký Hội đồng thẩm định/Bộ TN & MT:
1, Căn cứ vào đâu ông Bùi Pháp đánh giá: giá trị gỗ tận thu hơn 6 tỷ và giá thị trường bán được 4,5 tỷ VNĐ?
2, Số liệu, phương pháp nào mà trong ĐTM các tiến sĩ tính chính xác tới 0,5 cây lồ ô?
3, Với các số liệu trên, Hội đồng Thẩm định ĐTM sẽ căn cứ chọn số liệu nào?
4, Cách nào giữ rừng của VQG Cát Tiên giáp ranh khu vực được tận thu? Nếu VQG bị phá tràn lan như tất cả các thủy điện khác ngay từ lúc thi công XD (do có đường, mặt hồ thủy điện…) thì ai phải chịu trách nhiệm?

Mong các Quý vị nếu không có gì khuất tất, mờ ám thì hãy công khai trả lời đàng hoàng trên báo chí để mọi người cùng biết. Nếu có sửa chữa trong ĐTM thì cũng thông báo rộng rãi trước khi Hội đồng Thẩm định làm việc.

----------------
Xin trích trong 02 ĐTM nói trên:
A, Trích trang 139- ĐTM Đồng Nai 6
Nguồn phát sinh bụi, khí thải
Từ phương tiện vận chuyển gỗ tận thu
Với diện tích cấp đất cho công trình là 197,63 ha (cấp đất vĩnh viễn và cấp đất tạm thời), trữ lượng gỗ khai thác trên diện tích này bao gồm các loại rừng trung bình, rừng giàu hỗn giao lồ ô, rừng trung bình hỗn giao lồ ô, rừng nghèo hỗn giao lồ ô, lồ ô hỗn giao rừng nghèo, rừng lồ ô với trữ lượng gỗ 17.342,41m3 và lồ ô là 314.555,5 cây ( tương đương 8.520,72 m3), trong đó lượng gỗ ngọn cành cây ước tính khoảng 1.734,241 m3 (10% tổng trữ lượng gỗ). Ước tính trung bình mỗi xe vận chuyển 10m3/xe. Giai đoạn chuẩn bị diễn ra trong vòng 3 năm, tuy nhiên thời gian khai hoang diện tích rừng sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm và  lượng gỗ, củi sẽ được vận chuyển tập trung trong vòng 3 tháng (giả sử 1 tháng có 28 ngày làm việc). Số lượng chuyến xe tham gia vận chuyễn gỗ, củi thể hiện trong bảng sau:
Bảng 32: Số lượng xe dùng để vận chuyển gỗ
Hạng mục
Gỗ, củi
Lồ ô
Lượng gỗ, củi cần vận chuyển (m3)
19.076,651

Lượng lồ ô cần vận chuyển (cây)

314.555,5
Số chuyến xe vận chuyển (chuyến)
1.908
852
Số chuyến xe vận chuyển (chuyến/ngày)
23
11
Các loại xe có tải trọng từ 3,5 đến 16 tấn, hoạt động liên tục 10h. Hiện nay, chưa có số liệu chuẩn hoá về nguồn thải do các loại xe gây ra, do đó có thể sử dụng phương pháp đánh giá nhanh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số tài liệu khác có liên quan (*).
B, Trích trang 176-ĐTM Đồng Nai 6A

v  Khí thải từ quá trình vận chuyển gỗ tận thu
Với tổng sản lượng gỗ khai thác tận dụng trên diện tích khai hoang 174,6 ha bao gồm rừng lá rộng giàu trữ lượng; rừng lá rộng trữ lượng trung bình; rừng gỗ hỗn giao lồ ô, rừng non phục hồi, rừng gỗ nghèo; rừng giàu hỗn giao lồ ô; rừng trung bình hỗn giao tre nứa và rừng lồ ô. Dự kiến tổng sản lượng gỗ 11.202,18 m3; tổng sản lượng lồ ô 457.274 cây, lượng gỗ ngọn cành ước tính khoảng 1.120,22 m3(10% tổng trữ lượng gỗ). Trung bình mỗi xe vận chuyển 10 m3/xe. Giai đoạn chuẩn bị diễn ra trong vòng 3 năm, tuy nhiên thời gian khai hoang diện tích rừng sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm và  lượng gỗ, củi sẽ được vận chuyển tập trung trong vòng 3 tháng. Số lượng chuyến xe tham gia vận chuyễn gỗ, củi thể hiện trong Bảng 3‑1.
Bảng 31 Số lượng xe dùng để vận chuyển gỗ
Hạng mục
Gỗ, củi
Lồ ô
Lượng gỗ, củi cần vận chuyển (m3)
12.322,4
Lượng lồ ô cần vận chuyển (cây)
457.274
Số chuyến xe vận chuyển (chuyến)
1.322
657
Số chuyến xe vận chuyển (chuyến/ngày)
16
9
Các loại xe có tải trọng từ 3,5 đến 16 tấn, hoạt động liên tục 10h. Hiện nay, chưa có số liệu chuẩn hoá về nguồn thải do các loại xe gây ra, do đó có thể sử dụng phương pháp đánh giá nhanh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số tài liệu khác có liên quan (*).
-----------------Hết trích.