Trong thời gian qua cơ sở pháp lý của Dự án thủy điện ĐN 6 và ĐN6A được rất nhiều người dân và các Đại biểu Quốc hội quan tâm và cũng được nêu ra trong các văn bản phản biện của các nhà khoa học. Các vấn đề pháp lý đó là:
1/ Về việc quy hoạch hệ thống các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai (trong đó có ĐN6 và ĐN6A) cần được Đánh giá Tác động Môi trường Chiến lược (ĐMC) để đánh giá toàn diện mối quan hệ của các nhà máy trên cùng một lưu vực.
2/ Dự án thuộc diện phải đưa ra Quốc hội phê duyệt chủ trường nhưng Dự án chưa thực hiện bước này.
3/ Dự án vi phạm luật Đa dạng sinh học do chiếm dụng vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên
Nhưng sau khi được đọc những quan điểm của Tổng cục môi trường (Bộ TNMT) về các vấn đề mà Dư luận đang quan tâm được đăng trên trang Web Năng lượng Việt Nam tôi thấy các vấn đề pháp lý còn thiếu của Dự án đã được các cơ quan quản lý gỡ bỏ hết bằng cách đá bóng trách nhiệm cho nhau và bằng các văn bản điều chỉnh. Cụ thể đó là:
1/ Về việc cần phải ĐMC quy hoạch mạng lưới thủy điện trên sông Đồng Nai thì Tổng cục Môi trường cho rằng đó là trách nhiệm của Cơ quan lập quy hoạch đó là Bộ Công thương chứ không phải trách nhiệm của Chủ đầu tư (Đức Long Gia Lai).
2/ Dự án thuộc diện phải đưa ra Quốc Hội xen xét về chủ trương Đầu tư thì Bộ TNMT và Bộ Công thương cho rằng Dự án phải thực hiện xong Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi mới trình Quốc Hội xem xét.
3/ Dự án vi phạm luật Đa dạng sinh học và xâm phạm vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên:
Vấn đề này lại được Tổng cục Môi trường đẩy trách nhiệm sang Bộ NN&PTNN do sự chồng chéo nhau trong quy hoạch ngành và Quy hoạch điện có trước quy hoạch của Vườn Quốc gia Cát Tiên và Bộ NN&PTNN đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch rừng Quốc gia Cát Tiên và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng thành đất xây dựng thủy điện.
Với những lập luận như trên thì việc thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A chỉ còn tập trung vào chuyên môn, còn cơ sở pháp lý coi như đã đầy đủ (!?). Tuy nhiên, ở đây cần đặt ra một số câu hỏi dành cho các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này:
1/ Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường do vậy phải có trách nhiệm xem xét vấn đề môi trường tổng thể của Dự án này với các Dự án khác trên cùng lưu vực. Nếu thấy Quy hoạch không hợp lý về môi trường thì phải có ý kiến với Cơ quan lập quy hoạch để điều chỉnh chứ khống thể đổ trách nhiệm hết cho cơ quan lập Quy hoạch được.
2/ Căn cứ nào để Bộ NT&PTNT điều chỉnh quy hoạch và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất XD thủy điện? (chỉ để phục vụ cho dự án ĐN6 và ĐN6A chăng?). Mặt khác, với quyết định này sẽ giúp cho Dự án được loại ra khỏi diện phải trình QH xem xét chăng? Vì nếu đã chuyển đổi mục đích thì diện tích đất rừng mà dự án chiếm dụng không phải đất rừng đầu nguồn và đất thuộc phạm vi Rừng Quốc gia nữa mà là đất xây dựng rồi(!).
Trên đây là một số ý kiến của tôi về tính pháp lý của Dự án gửi tới các cơ quan chức năng để làm rõ.
Trần Anh Tuấn
No comments:
Post a Comment